Cầm quyền Jean-Bédel_Bokassa

Năm 1960, Xích đạo châu Phi thuộc Pháp giành lại được độc lập. Vị tổng thống mới của quốc gia này là David Dacko - vốn có họ hàng xa với Bokassa - quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Trung Phi rồi mời Bokassa về nắm quyền chỉ huy quân đội. Năm 1966, với lực lượng vũ trang trong tay, Bokassa tiến hành đảo chính, lật đổ David Dacko, tự xưng Tổng thống suốt đời.

Hoàng đế

Bài chi tiết: Đế quốc Trung Phi

Năm 1976, Bokassa đạp đổ nền Cộng hòa, lên làm "hoàng đế", đổi tên nước thành Đế quốc Trung Phi. Lễ đăng quang xa hoa tiêu tốn 22 triệu USD.

Bokassa và Nicolae Ceaușescu năm 1970

Bokassa là một người độc tài và độc ác khiến nhân dân và các nước quốc tế không chịu nổi. Năm 1979 Pháp và lực lượng đảo chính tấn công lật đổ Bokassa. Không kháng cự được Bokassa phải bỏ chạy sang Bờ biển Ngà (Ivory Coast) rồi sau đó là Pháp, nơi ông có nhiều lâu đài nguy nga. Ông bị chính quyền mới kết án tử hình vắng mặt.

Sự độc tài và cuộc sống xa hoa

Trong thời gian làm "hoàng đế", Bokassa có sở thích sưu tập vàng bạc, đá quý. Trong số những đồ châu báu mà ông thu thập được, có 2 viên kim cương thô rất lớn nhưng chưa bao giờ ông đồng ý cho mài giũa. Để mua chuộc các chính trị gia - trong đó có cả Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing, Bokassa đã dùng kim cương làm vũ khí. Sau này, Bokassa tố cáo Tổng thống d'Estaing đã đứng sau cuộc đảo chính lật đổ ông và cuỗm mất Hoàng hậu Cathérine của ông.

Để thể hiện quyền lực của một "hoàng đế", Bokassa đặt tên cho nhiều công trình ở thủ đô Bengui bằng tên mình như Cung thể thao Jean Bedel Bokassa, Đại lộ Bokassa, Đại học Tổng hợp Jean Bedel Bokassa… Bên cạnh đó, Bokassa còn cho xây dựng nhiều "dinh tổng thống" như Villa Kolongo, Villa Berengo, đồng thời là chủ của nhiều nhà hàng ăn uống, xưởng dệt vải, trang trại nuôi gia súc, hai hãng hàng không dân sự, một hãng mua bán ngà voi... Theo báo Le Figaro, Bokassa đã tự phong cho mình là "đệ nhất nông dân và đệ nhất thương gia của Đế chế Trung Phi". Những người từng có thời gian thân cận với Bokassa kể lại rằng ông ta tự cho mình có quyền làm hoàng đế suốt đời, kiêm Bộ trưởng Tư pháp, Quốc phòng, Nội vụ và các bộ khác.

Sự lạnh nhạt của quốc tế

Sau một thập niên cai trị, Bokassa tổ chức lễ đăng quang Hoàng đế Bokassa Đệ nhất. Tuy nhiên, đa số các quốc gia đồng minh lân cận đều nghèo nên chẳng ai gửi tiền ủng hộ. Chỉ có nước Pháp tặng 22 triệu franc để mua sắc phục cho hàng nghìn quan khách, một ngai vàng cao 3,5 mét, rộng 5 mét làm theo kiểu Napoléon có viền nạm vàng, tám con ngựa trắng, một mũ triều thiên nạm vàng và kim cương do nhà kim hoàn nổi tiếng Arthus Bertrand của Pháp thực hiện với những viên kim cương mà có viên lên đến 8 carat. Ngoài ra còn có 2 bức chân dung Bokassa Đệ nhất vẽ bởi họa sĩ Hans Linus, người Đức. Hơn 24.000 chai rượu vang cao cấp Moet et Chandon và 4.000 chai rượu vang siêu cao cấp Château Mouton Rothschild và Château Lafite Rothschild được mua về phục vụ thực khách cùng 60 chiếc ôtô Mercedes mang từ Tây Đức sang. 

Tuy nhiên, khác với lễ đăng quang của Vua Haile Selassie, xứ láng giềng Ethiopia hồi năm 1930 với hầu như toàn bộ các tổng thống, vua chúa, bộ trưởng các nước thân hữu đều hiện diện, lễ đăng quang của "Bokassa Đệ nhất" chỉ có tướng Franco (Tây Ban Nha), Hoàng đế Hirohito (Nhật Bản), Vua Shah Reza Pahlavi (Iran), Idi Amin (Uganda), Mobutu Sese Seko xứ Zaire, ngoài ra Tòa thánh Vatican từ chối cho Bokassa làm lễ xưng Đế ở nhà thờ chính tòa Bangui.

Liên quan